Đại tá Nguyễn Văn Bảy xưng hô với đồng đội, cấp dưới là mày - tao đầy thân tình, truyền đạt kinh nghiệm dễ hiểu, chỉ huy ngắn gọn.
Ngày 24/9, lễ viếng đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy (nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - không quân) tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, quận Gò Vấp, TP HCM. Ông Bảy là phi công anh hùng được cả thế giới biết đến vì thành tích bắn rơi 7 máy bay của Mỹ vào những năm 1965-1967.
Lễ viếng linh cữu phi công Nguyễn Văn Bảy sáng nay. Ảnh: Thành Nguyễn
|
Từ sáng sớm, đại tá Phan Tương (94 tuổi, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 923, chỉ huy của ông Nguyễn Văn Bảy) cùng rất đông người thân, đồng đội... đã có mặt đưa tiễn ông Bảy. Đại tá Phan Tương cho biết, trước khi mất, ông Bảy và ông vẫn thường ngồi trò chuyện cùng nhau về tình hình thời sự trong nước, thế giới.
"Tôi khi đó là chỉ huy, Bảy là trung úy, cấp dưới của tôi. Về tình cảm thì khó nói lắm, nhưng trong chiến đấu Bảy là một phi công tuyệt vời. Dù lái MiG 17 không phải loại hiện đại nhưng ông ấy đã sáng tạo ra cách đánh máy bay F4, F150 của Mỹ", ông Tương nói.
Lúc đó các chiến sĩ không quân được dạy cách đánh máy bay Mỹ với chiến thuật 4 đánh một, chia làm nhiều tầng. Tuy nhiên, cách này nếu áp dụng chỉ chiến đấu được hai ngày là hết quân nên ông Bảy nghiên cứu cách đánh 2 máy bay áp sát đánh một. "Một chiếc công kích, một chiếc bám đuôi địch để bảo vệ và cách đánh này đã thành công. Anh Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ và được thế giới biết đến", ông Tương nói.
Còn với thiếu tá Trần Sơn (79 tuổi), đồng đội cũ Nguyễn Văn Bảy là "người phi công nông dân, chất phác". Là cấp trên, song ông Bảy luôn xưng hô với cấp dưới bằng mày - tao rất thân tình, truyền đạt kinh nghiệm dễ hiểu, chỉ huy ngắn gọn, không dông dài, cầu kỳ. "Khi ổng làm đại biểu Quốc hội ra Hà Nội họp, Bác Hồ toàn gọi ổng lên ngồi cạnh. Đây là một vinh dự của một chiến sĩ", ông Sơn kể.
Ông Bảy (bìa phải) và các đồng đội. Ảnh tư liệu.
|
Ở tuổi 84 nhưng ông Bảy rất năng động, ăn mặc giản dị, tính cách hào sảng, đậm chất Nam bộ. Ông thường xuyên từ quê Đồng Tháp lên TP HCM tham gia các cuộc gặp mặt, giao lưu với đồng đội cũ.
Thượng tá Đặng Văn Kính (85 tuổi) giọng bùi ngùi cho biết: "Hôm 13/9, ổng lên TP HCM sinh hoạt Đảng, gọi điện nói ghé nhà tui thăm. Mà bữa đó tui ở nhà một mình, chân đau không đi lại được nên có hẹn ổng kỳ sau, không ngờ ổng mất đột ngột vầy".
Những năm kháng chiến, ông Bảy là phi công thì ông Kính làm nhiệm vụ quản lý vùng bay. Trong 7 lần ông Bảy bắn rơi máy bay Mỹ có 3 lần trúng ca trực của ông Kính. Sau này ông Kính về làm trưởng ban quản lý vùng trời thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân phía Nam, ông Bảy làm Phó tham mưu trưởng tại đây. Cả hai tiếp tục gắn bó trong công việc.
"Ổng là người may mắn, trúng gen số 7. Thời đó, máy bay còn thô sơ, người nào bắn rơi 5 chiếc là siêu anh hùng rồi, đằng này ổng bắn đến 7 chiếc lận", ông Kính nói.
Trong sáng nay, đoàn lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, do Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến viếng đại tá Nguyễn Văn Bảy và chia buồn cùng gia quyến. Bày tỏ sự thương tiếc trong sổ tang, ông Nhân gọi ông Bảy là "người sĩ quan và đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ". "Xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình vì tổn thất lớn lao này. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh luôn tự hào và noi gương Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy...", Bí thư Thành ủy viết.
Cùng ngày, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đến viếng và chia buồn cùng gia đình đại tá Nguyễn Văn Bảy.
Đại tá Phan Tương kể về cách đánh máy bay của ông Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: Trung Sơn.
|
Ông Bảy qua đời tại Bệnh viện Quân Y 175 tại TP HCM tối 22/9, sau 6 ngày nhập viện vì xuất huyết não. Ông là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACE - danh hiệu có từ chiến tranh thế giới thứ hai, dành cho những phi công lái máy bay quân sự bắn hạ 5 máy bay đối phương trở lên; được Nhà nước phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.
Lễ viếng đại tá Nguyễn Văn Bảy diễn ra từ hôm nay đến ngày mai. Lễ truy điệu và di quan linh cữu được tổ chức ở quê nhà ông Bảy tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) từ 5h ngày 26/9. Lễ viếng tại đây diễn ra từ 12h ngày 26 đến 10h30 ngày 27/9. Lễ an táng diễn ra trưa cùng ngày.
No comments:
Post a Comment